(Câu chuyện là cảm hứng và niềm tự hào mà chúng tôi muốn chia sẻ với quý đối tác)
Việt Nam là một quốc gia có nền văn hoá nông nghiệp. Trải qua nhiều thế hệ, văn hoá nông nghiệp đã trở thành đặc trưng của con người Việt Nam: luôn tôn thờ, gắn bó, hoà hợp với thiên nhiên và đề cao lối sống cộng đồng, làng xóm. Ngày nay, nông thôn Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Biến đổi khí hậu khiến thiên tai, lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn. Canh tác nông nghiệp lạm dụng hoá chất khiến tài nguyên đất và nước bị suy thoái nghiêm trọng. Nông dân tìm cách di cư ra các đô thị để kiếm việc làm và thu nhập khiến kết cấu cộng đồng làng xã đang dần thay đổi và có nguy cơ tan rã.
Năm 2016, công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Tây Bắc – Agritage Việt Nam được thành lập với tầm nhìn trở thành Tổ hợp tiên phong xây dựng và nhân rộng hệ sinh thái Nông nghiệp di sản Việt Nam. Agritage Việt Nam có sứ mệnh bảo tồn và phát triển Nông nghiệp di sản Việt Nam.
Agritage là tên viết tắt, được ghép bởi hai chữ tiếng Anh: Agriculture (Nông nghiệp) và Heritage (Di sản). Agritage có thể hiểu là: Nông nghiệp di sản. Xuất phát điểm từ lòng tự hào về một quốc gia có nền văn hoá nông nghiệp lâu đời, Agritage Việt Nam trân trọng những tri thức bản địa của dân tộc, các giá trị văn hoá của các tộc người sống trên dải đất hình chữ S. Do vậy, chúng tôi khao khát được cống hiến và góp sức mình để giữ gìn, xây dựng, phát triển và lan truyền các giá trị văn hoá, tri thức bản địa của người Việt Nam tới người Việt Nam và bạn bè thế giới.
Agritage Việt Nam hiện đang hoạt động trên ba lĩnh vực: Nông nghiệp; Giáo dục; và Du lịch trải nghiệm.
- Trong lĩnh vực nông nghiệp
Agritage Viet Nam xây dựng nên các Làng nông nghiệp di sản. Chúng tôi hợp tác với các tổ chức Quốc tế, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các cơ quan chính quyền địa phương và các cộng đồng dân tộc thiểu số…để cùng nhau xây dựng Làng nông nghiệp di sản.
Làng nông nghiệp di sản được định nghĩa là một địa điểm có đầy đủ 5 yếu tố cấu thành, bao gồm: (i) Sinh kế bền vững và an ninh lương thực. Những cư dân ở Làng nông nghiệp di sản bằng sức lao động và áp dụng tri thức bản địa, kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ trong canh tác nông nghiệp sẽ đảm bảo có đủ lương thực cho gia đình và cộng đồng. Họ cũng có được việc làm, tạo thu nhập thông qua các hoạt động sản xuất và kinh doanh nông sản của làng. (ii) Đa dạng sinh học trong nông nghiệp. Chúng tôi cố gắng làm đa dạng các loài động vật, thực vật, vi sinh vật trong các hoạt động canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, khai thác lâm sản tại bản. Bằng việc duy trì hoạt động canh tác thuận tự nhiên như sử dụng phân bón vi sinh tự chế, trồng các loài cây, cỏ theo hướng cộng sinh, và diệt trừ sâu bệnh theo nguyên lý thiên dịch…đã giúp nông dân tại các làng Nông nghiệp di sản ứng phó với tình trạng khô hạn, sói mòn, sạt lở đất và làm giàu thêm các vi sinh vật trong đất. Những nguồn gen bản địa hoặc những nguồn gen quý từ các vùng khác được sưu tầm, lưu giữ và nhân giống tại làng để phục vụ hoạt động canh tác của cộng đồng hoặc chia sẻ cho những vùng khác. (iii) Hệ thống tri thức bản địa trong canh tác nông nghiệp được khôi phục và lưu giữ. Ví dụ, tại Làng nông nghiệp di sản Vân Hồ, nơi có cư dân sinh sống chủ yếu là người dân tộc Thái và Mường với nét văn hoá thung lũng đặc trưng. Họ có kinh nghiệm lâu đời trong việc tận dụng sức nước và điều khiển nguồn nước phục vụ canh tác nông nghiệp. Agritage Việt Nam và cộng đồng đã cùng nhau khôi phục lại và sử dụng các coong nước, mương dẫn nước phục vụ hoạt động canh tác nông nghiệp. (iv) Hệ thống giá trị văn hoá và tổ chức cộng đồng. Tại làng Nông nghiệp di sản, các yếu tố văn hoá cộng đồng được người dân cùng nhau lưu giữ. Chúng tôi phát triển du lịch cộng đồng để người dân vừa có việc làm, tạo thu nhập, vừa tự hào về nguồn cội. Tôn trọng các cấu trúc cộng đồng hiện có và quyền tự chủ cao nhất của cộng đồng bằng cách thành lập các Hợp tác xã cộng đồng với sự tham gia điều hành của dân làng. Hợp tác xã cộng đồng sẽ là tổ chức đại diện cho quyền lợi của dân làng, đứng ra hợp tác với các đối tác khác nhau nhằm tạo cơ hội phát triển cho cư dân Làng nông nghiệp di sản. (v) Hệ thống cảnh quan đặc trưng. Một làng Nông nghiệp di sản đúng nghĩa còn là nơi lưu giữ được những hệ thống cảnh quan mang đặc trưng của văn hoá cộng đồng. Ví dụ, tại Làng nông nghiệp di sản Vân Hồ, là nơi sinh sống của cư dân Thái với văn hoá thung lũng đặc trưng. Họ chung sống hài hoà với suối và rừng. Do vậy, trải qua nhiều thế hệ, họ vẫn cùng nhau giữ gìn suối cá tự nhiên và rừng già. Đến Làng nông nghiệp di sản Vân Hồ, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những khung cảnh trùng điệp của cây rừng, các thảm thực vật, hệ thống hang động nguyên sơ. Đặc biệt, dòng suối trong vắt với những loài cá tự nhiên được đưa vào hương ước để bảo vệ, không đánh bắt.
Hiện nay, Agritage Việt Nam, với sự đồng hành của Đại sứ quán Úc và UBND huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, và cộng đồng hơn 60 hộ dân người Thái, Mường tại bản Bướt, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ xây dựng và đi vào vận hành mô hình Làng nông nghiệp di sản đầu tiên tại Việt Nam. Làng Nông nghiệp di sản Vân Hồ – Vân Hồ Agritage được vận hành bởi Hợp tác xã Đồng Rừng Vân Hồ, do người dân trong bản làm chủ. Các hoạt động canh tác nông nghiệp và tạo sinh kế ở Vân Hồ Agritage tập trung chủ yếu là trồng lúa nước – sản phẩm truyền thống gắn với văn hoá lâu đời của người dân tộc Thái. Giống lúa Tẻ râu, là giống lúa bản địa, được ưa chuộng trên thị trường nhưng chưa có thương hiệu. Hiện nay, gạo tẻ râu bản Bướt đang được phân phối ra thị trường nội địa chất lượng cao tại thành phố với thương hiệu Gạo Đồng rừng Tẻ râu. Bên cạnh đó, những sản phẩm hạt bản địa và các giống hạt, cây có củ có giá trị dinh dưỡng và được ưa chuộng trên thị trường cao cấp nội địa cũng được sưu tập và nhân giống tại bản. Tri thức bản địa của người Thái được lưu giữ và ứng dụng triệt để trong canh tác lúa nước thông qua các coong nước và mương dẫn nước từ suối về đồng ruộng.
Agritage Việt Nam lan toả và nhân rộng các giá trị của Làng nông nghiệp di sản như thế nào? Thực tế không phải dễ dàng để tìm kiếm 1 địa điểm nhân rộng đáp ứng đầy đủ cả 5 tiêu chí về Làng nông nghiệp di sản. Do vậy, chúng tôi lựa chọn địa điểm nhân rộng theo khả năng đáp ứng hai trong năm tiêu chí nhận diện về Làng nông nghiệp di sản. Ví dụ, các điểm nhân rộng đáp ứng đủ 2 tiêu chí về sinh kế bền vững và đa dạng sinh học trong canh tác nông nghiệp được gọi là những điểm Agritage+. Những Agritage+ này sau khi được lựa chọn sẽ cùng tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản của Agritage.
Agritage Việt Nam xây dựng và phát triển thương hiệu Nông sản Đồng Rừng. Nông sản Đồng rừng là kênh phân phối các sản phẩm nông nghiệp được làm ra tại các Làng nông nghiệp di sản, các Hợp tác xã địa phương đang đồng hành cùng chúng tôi thực hành canh tác nông nghiệp thuận tự nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nông sản Đồng Rừng thực hiện vai trò phát triển thương hiệu, marketing sản phẩm và xây dựng kênh phân phối.
- Trong lĩnh vực du lịch
Du lịch trải nghiệm và du lịch sinh thái được tổ chức ở những Làng nông nghiệp di sản và được xem như một cầu nối giúp chúng tôi lan toả niềm tự hào về văn hoá nông nghiệp của Việt Nam và của mỗi tộc người sinh sống trên mảnh đất Việt. Du khách đến thăm Làng nông nghiệp di sản có khu lưu trú để nghỉ ngơi và cùng cộng đồng trải nghiệm những hoạt động canh tác nông nghiệp, thưởng thức hệ thống cảnh quan thiên nhiên, các hoạt động văn hoá tập thể của cộng đồng, món ăn đặc trưng và không khí trong lành của vùng đất đang thực hành canh tác nông nghiệp thuận tự nhiên.
Agritage Việt Nam xây dựng thương hiệu Du lịch Đồng Rừng để tổ chức các tour du lịch đến thăm Làng nông nghiệp di sản và các địa điểm Agritage +.
- Trong lĩnh vực giáo dục
Agritage Việt Nam hướng tới những chương trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng ở mỗi cộng đồng đều có những tri thức được sáng tạo trong quá trình lao động, sống chung với thiên nhiên. Những tri thức này được người dân bản địa lưu truyền và thực hành qua hàng trăm, hàng nghìn năm. Người dân Việt Nam cần có hiểu biết và trân trọng những giá trị tri thức bản địa của dân tộc. Đó chính là giá trị cốt lõi làm nên sự khác biệt của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng. Bởi vậy, các chương trình giáo dục kỹ năng sống được Agritage tổ chức luôn hướng tới cung cấp các cơ hội cho trẻ em Việt Nam được tìm hiểu và trải nghiệm thực tế về những tri thức bản địa của mỗi cộng đồng.
Giá trị cốt lõi của Agritage Việt Nam
Agritage Việt Nam hướng tới 5 giá trị cốt lõi sau:
- Tin cậy: Đội ngũ nhân sự chúng tôi luôn tin tưởng vào triết lý của Doang nghiệp và đặt niềm tin ở khách hàng, đối tác.
- Tôn trọng: Chúng tôi tôn trọng quy luât tự nhiên, đa dạng sinh thái, con người và văn hoá bản địa.
- Tự chủ: Chúng tôi luôn hướng tới sự tự chủ về tài chính và nguồn lực trong các hoạt động của mình.
- Bản địa: Chúng tôi góp phần thúc đẩy gìn giữ và lan tỏa những giá trị cội nguồn, những nét văn hóa truyền thống, phương pháp canh tác dựa vào tri thức bản địa của các cộng đồng dân tộc thiểu số.
- Bền vững: Chúng tôi hướng đến tạo ra sự đa dạng sinh thái, thân thiện môi trường, phát triển kinh tế-xã hội bền vững và những tác động tích cực trong tất cả các lĩnh vực.